Sức mạnh nào giúp 5G đem đến hơn 610 tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030

NỘI DUNG CHÍNH

Theo nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu (GSMA) được công bố trong báo cáo với tựa đề “Các lợi ích kinh tế - xã hội của các dịch vụ 5G trong băng tần trung” cho thấy, các dịch vụ 5G sử dụng phổ tần số trong băng tần trung sẽ mang lại hơn 610 tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030, chiếm gần 65% tổng giá trị kinh tế - xã hội được tạo ra bởi các mạng 5G.

sieu-5g (1)Sức mạnh của siêu 5G

Mạng 5G mang lại những cải tiến đáng kể so với mạng 4G LTE, bao gồm tốc độ kết nối cao hơn, dung lượng lớn hơn và độ trễ thấp, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp như sản xuất thông minh, ô tô tự lái, … Nghiên cứu cho thấy, tác động kinh tế xã hội của 5G phụ thuộc vào khả năng tiếp cận đa dạng nguồn tài nguyên phổ tần số, bao gồm các băng tần 1.500 MHz, 1.800 MHz, 1.900 MHz, 2.100 MHz, 2.300 MHz, 2.600 MHz, 3.300 - 4.200 MHz, 4.500 – 5.000 MHz và 5.925 - 7.250 MHz.

Xem thêm: Với 5G cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết

Phổ tần số trong băng tần trung sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng về băng thông và dung lượng mạng cho các ứng dụng 5G cũng như đáp ứng nhu cầu cho các dịch vụ dữ liệu di động. Các kịch bản ứng dụng chính như băng thông rộng di động nâng cao (Enhanced Mobile Broadband - eMBB),truy cập vô tuyến cố định (Fixed Wireless Access - FWA),internet vạn vật số lượng lớn (Massive Internet of Things – MIoT) và thông tin độ tin cậy cực kỳ cao với độ trễ thấp (Ultra-Reliable and Low-Latency Communications - URLLC) đều phụ thuộc vào phổ tần số trong băng tần trung. Những kịch bản ứng dụng này sẽ làm gia tăng tác động của dịch vụ di động đối với xã hội và nền kinh tế.

Cho đến nay, phổ tần số trong băng tần trung thường được sử dụng trên toàn cầu để triển khai các mạng 5G. Các bằng chứng hiện có cho thấy nhu cầu về phổ tần số trong băng tần trung sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tốc độ, vùng phủ sóng và chất lượng của các dịch vụ 5G phụ thuộc vào việc các nhà khai thác di động có quyền tiếp cận lượng phổ tần số phù hợp với mức giá phải chăng. Phổ tần số trong băng tần trung đặc biệt quan trọng vì nó là sự kết hợp hài hòa giữa vùng phủ sóng và dung lượng của mạng 5G.

Ưu tiên phân bổ phổ tần số băng tần trung trong chiến lược phát triển kinh tế của các quốc gia

Theo nghiên cứu của GSMA, đến năm 2030, 5G dự kiến ​​sẽ tạo ra 960 tỷ USD cho GDP toàn cầu, trong đó 5G sử dụng phổ tần số trong băng tần trung chiếm gần 65%, với hơn 610 tỷ USD. Để đạt được những lợi ích tiềm năng của 5G, các quốc gia cần phải lên kế hoạch nhằm cung cấp kịp thời phổ tần số cho các dịch vụ di động, vì nó là yếu tố quan trọng để đáp ứng yêu cầu về vùng phủ sóng và dung lượng mạng 5G.

Trong khi đó dự báo của GSMA cũng cho thấy rằng, nếu các quốc gia không phân bổ thêm phổ tần số trong băng tần trung cho các nhà khai thác di động thì công nghệ 5G sẽ không phát huy đầy đủ tiềm năng của chúng và điều đó có thể làm mất đi khoảng 360 tỷ USD. Chính phủ các nước nên xem xét ưu tiên phân bổ phổ tần số trong băng tần trung trong chiến lược phát triển kinh tế của mình, trong đó tập trung xem xét các vấn đề sau:

• Cho phép phổ tần số trong các băng tần trung như băng 1.500 MHz, 1.800 MHz, 2.300 MHz và 2.600 MHz đã được ấn định cho các nhà khai thác di động dựa trên nguyên tắc trung lập về công nghệ được sử dụng cho 5G.

• Phân bổ băng tần 3.300 - 3.800 MHz cho 5G.

• Quy hoạch và phân bổ thêm các băng tần 3.800 - 4.200 MHz, 4.800 MHz và 6.000 MHz để cho phép các nhà khai thác di động triển khai 5G.

Phổ tần số trong băng tần trung sẽ tiếp tục được xem xét phân bổ cho 5G

Với việc phát triển của các thế hệ di động từ 2G lên 5G như hiện nay và 6G trong tương lai, nhu cầu về phổ tần số sẽ tiếp tục tăng lên để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ, dung lượng mạng và các kịch bản ứng dụng mới.

sieu-5g (2)

Mỗi băng tần đều có các đặc tính truyền sóng và cung cấp dung lượng mạng khác nhau. Phổ tần số trong băng tần thấp sẽ giúp các nhà khai thác di động có thể cung cấp phạm vi phủ sóng rộng nhưng dung lượng mạng thấp, nó phù hợp với việc phủ sóng di động ở các khu vực nông thôn, những nơi không cần dung lượng mạng lớn. Phổ tần số trong băng tần cao tuy hạn chế về phạm vi phủ sóng nhưng cho dung lượng mạng cực cao, nó phù hợp cho các khu vực “nóng”, nơi tập trung một lượng lớn người dùng, cần các dịch vụ tốc độ cao. Trong khi đó, phổ tần số trong băng tần trung được coi là phổ tần lý tưởng cho việc triển khai các mạng di động, đặc biệt là 5G vì nó có thể vừa cung cấp dung lượng lớn trong khi vẫn đảm bảo vùng phủ sóng rộng.

Xem thêm: Học Trực Tuyến Với 5G: Đào Tạo Từ Xa Không Giới Hạn

Mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới được triển khai tại Hàn Quốc vào tháng 4 năm 2019, từ đó đến nay chúng liên tục phát triển. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) tính đến cuối tháng 01 năm 2022, trên toàn cầu đã có 206 mạng 5G thương mại được triển khai tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Trong khi một số nhà khai thác di động sử dụng phổ tần số trong băng tần thấp hoặc băng tần cao (băng mmWave) để triển khai mạng 5G thì có đến 78% số nhà khai thác sử dụng phổ tần số trong băng tần trung để triển khai 5G, trong đó hầu hết sử dụng phổ tần số trong băng tần 3,5 GHz (3,3 - 4,2 GHz).

Phổ tần số trong băng tần trung sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tương lai của mạng 5G. Phân tích cho thấy rằng, nhu cầu về phổ tần số trong băng tần trung sẽ tiếp tục tăng lên. Đến năm 2030, ngành công nghiệp di động sẽ cần trung bình 2 GHz phổ tần trong băng tần trung để đáp ứng các yêu cầu về tốc độ dữ liệu đường xuống 100 Mbps và đường lên 50 Mbps theo tiêu chuẩn IMT-2020 (5G) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

Việc phân bổ lại các băng tần, sử dụng công nghệ chia sẻ phổ tần động và các cơ chế khác nhằm hỗ trợ việc sử dụng các băng tần hiện có cho các công nghệ mới. Tuy nhiên, nhu cầu về dung lượng trên mạng 5G sẽ là một bước thay đổi so với thiết bị di động các thế hệ trước đó. Điều này được thúc đẩy bởi số lượng lớn các thiết bị được kết nối cũng như tăng trưởng về lưu lượng dữ liệu trên mỗi người dùng.

Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới diễn ra vào năm 2023 (WRC-23) sẽ là một cơ hội quan trọng để điều chỉnh các chính sách toàn cầu về các giải pháp băng tần trung cho thông tin di động nói chung và cho 5G nói riêng. Dự kiến tại tại WRC-23, một số phổ tần số trong băng tần trung sẽ được đưa ra thảo luận nhằm tạo ra sự hài hòa ở các khu vực trên thế giới, bao gồm:

  • Băng tần 3.300 - 3.800 MHz
  • Băng tần 3.300 - 3.800 MHz đã được dùng để triển khai mạng 5G ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nên nó có hệ sinh thái thiết bị lớn nhất và các thiết bị có giá cả phải chăng nhất. Băng tần này được coi là băng tần ưu tiên để ra mắt các dịch vụ 5G.
  • Băng tần 4.800 - 4.990 MHz
  • Băng tần 4.800 - 4.990 MHz được ngành công nghiệp di động coi là một lựa chọn để bổ sung cho mạng di động. Băng tần này có thể mở rộng dung lượng của các mạng trong tương lai và đã được xem xét thử nghiệm ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản.
  • Băng tần 6.425 - 7.125 MHz
  • Băng tần 6.425 - 7.125 MHz được ngành công nghiệp di động coi là mục tiêu chính để mở rộng 5G và là nguồn phổ tần chính để đáp ứng mục tiêu cần trung bình 2 GHz phổ tần trong băng tần trung để đáp ứng các yêu cầu về tốc độ dữ liệu theo tiêu chuẩn IMT-2020 (5G) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

Lợi ích kinh tế của 5G và phổ tần số trong băng tần trung

Lợi ích kinh tế mà mạng di động mang lại đã được nghiên cứu và đưa ra trong nhiều báo cáo khác nhau. Một bài báo gần đây của GSMA cho thấy rằng, công nghệ di động chiếm khoảng 10 USD trong mỗi 100 USD tăng thêm về thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 2000 - 2019. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, các dịch vụ gia tăng được kích hoạt bằng cách nâng cấp từ mạng 2G lên 3G và từ 3G lên 4G đã tạo ra lợi ích đáng kể mà các nền kinh tế thu được từ công nghệ di động.

Nghiên cứu của GSMA cho thấy, với hơn 960 tỷ USD mà công nghệ 5G dự kiến mang lại cho GDP toàn cầu vào năm 2030 thì:

  • 5G băng tần thấp ​​sẽ đóng góp 130 tỷ USD cho GDP toàn cầu (chiếm khoảng 14% tổng nguồn thu từ 5G).
  • 5G băng tần trung sẽ đóng góp hơn 610 tỷ USD cho GDP toàn cầu (chiếm khoảng 65% tổng nguồn thu từ 5G).
  • 5G băng tần cao sẽ đóng góp 220 tỷ USD cho GDP toàn cầu (chiếm khoảng 23% tổng nguồn thu từ 5G).

Dự báo mức độ thâm nhập 5G sẽ đạt khoảng 64% trên toàn cầu vào năm 2030, với khoảng 5 tỷ kết nối vào cuối thập kỷ này.

sieu-5g (3)

Một yếu khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của 5G là cách mà các ứng dụng của 5G có thể được áp dụng vào các lĩnh vực kinh tế. Điều này phụ thuộc vào một số các yếu tố, bao gồm cả sự sẵn sàng của hệ sinh thái tổng thể, mức độ sẵn có của các công nghệ cũng như các kỹ năng của người lao động. Ví dụ, các ứng dụng liên quan đến MIoT dự kiến ​​sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, làm tăng năng suất và giảm chi phí.

sieu-5g (4)

Trong giai đoạn 2020 - 2030, các ứng dụng eMBB và FWA dự kiến ​​sẽ thúc đẩy hầu hết lợi ích của 5G, đặc biệt là 5G băng tần trung.

Tóm lại, phổ tần số trong băng tần trung đóng vai trò rất quan trọng, được các quốc gia trên thế giới đánh giá là phổ tần lý tưởng để triển khai các mạng di động, đặc biệt là mạng 5G vì nó đáp ứng yêu cầu về phạm vi phủ sóng rộng và dung lượng mạng lớn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang cấp phép cho doanh nghiệp triển khai 5G trong bối cảnh hệ sinh thái thiết bị 5G trong băng tần này tương đối phát triển.

Nguồn:

https://rfd.gov.vn/tin-tuc/Pages/thongtindidong5G.aspx?ItemID=3010

SIM THĂNG LONG TẶNG SIM SỐ ĐẸP

Bài viết liên quan