6G mở ra một kỷ nguyên về công nghệ mới, mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác biệt cho người dùng. Bên cạnh đó, những ứng dụng đột phá dưới đây cũng vô cùng thú vị sẽ được cải cách trong tường lai gần.
Mới đây, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) - tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc về công nghệ thông tin truyền thông đã công bố khuôn khổ phát triển các tiêu chuẩn và công nghệ giao diện vô tuyến cho thế hệ thông tin di động thứ sáu (6G).
6 ứng dụng đột phá mà công nghệ 6G dự kiến sẽ mang lại cho người dùng trong tương lai
Giao tiếp nhập vai
Đây là ứng dụng mở rộng từ kịch bản băng thông rộng di động nâng cao (enhanced Mobile Broadband: eMBB) của 5G, cung cấp cho người dùng trải nghiệm video tương tác (nhập vai) phong phú và tương tác với giao diện máy. Các yêu cầu mới so với 5G eMBB là các trường hợp điển hình như giao tiếp thực tế mở rộng (XR),giao tiếp hình ba chiều,…. Trong giao tiếp nhập vai, hỗ trợ lưu lượng hỗn hợp của video, âm thanh và dữ liệu theo cách đồng bộ hóa thời gian là một phần không thể thiếu. Một số trường hợp sử dụng giao tiếp nhập vai cần hỗ trợ độ tin cậy cao, độ trễ thấp để tương tác nhanh, chính xác với các đối tượng và dung lượng hệ thống lớn hơn để kết nối đồng thời nhiều thiết bị.
Truyền thông thời gian trễ thấp và độ tin cậy cực cao
Là một loại truyền thông di động được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu thời gian thực nghiêm ngặt và độ tin cậy cao. Nó được sử dụng trong các ứng dụng mà việc truyền tải dữ liệu chậm trễ hoặc không đáng tin cậy có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng là ứng dụng mở rộng từ ứng dụng truyền thông thời gian trễ thấp và độ tin cậy cực cao (Ultra-Reliable and Low-Latency Communications: URLLC) của 5G. Ứng dụng này được áp dụng trong xe tự lái, phẫu thuật từ xa và trong công nghiệp thông minh bao gồm tương tác với rô-bốt, dịch vụ khẩn cấp cũng như giám sát truyền tải và phân phối điện.
Truyền thông máy số lượng lớn
Là một loại truyền thông di động được thiết kế để kết nối hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ thiết bị Internet vạn vật (IoT) và cảm biến với nhau. Nó được sử dụng trong các ứng dụng mà có nhiều thiết bị nhỏ, ít năng lượng cần được kết nối với mạng. Đây là ứng dụng mở rộng từ truyền thông máy số lượng lớn (massive Machine Type Communications: mMTC) của 5G. Các trường hợp sử dụng điển hình cho kịch bản này bao gồm các tiện ích mở rộng cho thành phố thông minh, giao thông vận tải, hậu cần, y tế, năng lượng, giám sát môi trường, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
Kết nối mọi nơi
Ứng dụng này nhằm mục đích tăng cường kết nối để thu hẹp khoảng cách số, có thể được tăng cường thông qua tương tác với các hệ thống khác. Vấn đề trọng tâm của kịch bản ứng dụng này là giải quyết các khu vực hiện chưa được phủ sóng hoặc ít khi được phủ sóng, như các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và dân cư thưa thớt. Sử dụng mở rộng các thiết bị và ứng dụng IoT trong thành phố thông minh, hệ thống giao thông thông minh và các lĩnh vực như giám sát y tế, nông nghiệp, năng lượng và môi trường.
Tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và truyền thông
Ứng dụng này hỗ trợ điện toán phân tán và các ứng dụng do AI điều khiển. Các trường hợp sử dụng điển hình bao gồm lái xe tự động có hỗ trợ 6G, phối hợp tự động giữa các thiết bị ứng dụng hỗ trợ y tế, giảm tải tính toán nặng trên các thiết bị và mạng, tạo và dự đoán bản sao số, rô-bốt tương tác hỗ trợ 6G,… Các kịch bản cần hỗ trợ lưu lượng truy cập cao, độ trễ thấp và độ tin cậy cao.
Cảm biến và truyền thông tích hợp (ISAC)
Cảm biến như một dịch vụ mạng sẽ trở thành hiện thực, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho thị trường cũng như thúc đẩy các ngành có liên quan. Các trường hợp sử dụng như chụp ảnh môi trường xung quanh, lập bản đồ, nhận dạng cử chỉ và hoạt động, phát hiện và theo dõi mục tiêu, giám sát và điều hướng an ninh, thậm chí cả phúc lợi xã hội như giám sát thảm họa đều có thể được hỗ trợ bởi 6G. Điều này làm cho ứng dụng ISAC trở thành một kịch bản ứng dụng sử dụng hấp dẫn.
Có thể thấy trong tương lai không xa, nhiều ứng dụng thực tiễn được áp dụng trong đời sống và công việc nhờ sức mạnh của 6G.
Xem thêm: Một quốc gia phóng vệ tinh thử nghiệm 6G đầu tiên trên thế giới
(Theo Báo Nghệ An)