Tập đoàn Viettel và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa ký kết thoả thuận hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học giai đoạn 2024 - 2030 và những năm tiếp theo.
Viettel và Bệnh viện 108 bắt tay hợp tác
Ngày 19/6, hội nghị ký kết biên bản hợp tác giữa Tập đoàn Viettel và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã diễn ra tốt đẹp. Tham dự hội nghị phía Tập đoàn có Chủ tịch - TGĐ Tào Đức Thắng, Bí thư Đảng ủy - Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Thanh Nam cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Về phía Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc cùng các lãnh đạo của bệnh viện.
Theo thỏa thuận ký kết, Viettel sẽ sử dụng nguồn lực nhân sự, công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số hỗ trợ Bệnh viện 108 trong các lĩnh vực: Đào tạo và nghiên cứu khoa học; Khám chữa bệnh; Triển khai giải pháp chuyển đổi số.
Phía còn lại, Bệnh viện 108 sẽ sử dụng các nền tảng Viettel cung cấp góp phần tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế, giảm thiểu sai sót y khoa trong quá trình khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho quân nhân và nhân dân, từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ y tế.
Với năng lực vượt trội về công nghệ, khả năng xử lý dữ liệu cùng với tiềm năng nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo AI, Viettel có thể hỗ trợ Bệnh viện 108 trong các nghiệp vụ quản trị bệnh lý, hồ sơ bệnh án cũng như các dữ liệu khác một cách xuất sắc. Với nhiều chuyên gia AI về phân tích và xử lý hình ảnh của Viettel, kết hợp cùng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn của các bác sĩ Bệnh viện 108, hai đơn vị có thể tạo ra trợ lý ảo hỗ trợ quá trình chẩn đoán, kết luận chính xác, giúp tăng hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh.
Phát biểu của hai đơn vị
Chủ tịch Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng đã chia sẻ khát vọng nghiên cứu, sản xuất các thiết bị y tế với lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: “Chúng tôi có khả năng sản xuất nhiều khí tài công nghệ cao. Trong lĩnh vực thiết bị y tế, chúng tôi mong muốn các đồng chí đặt bài toán, đưa ra yêu cầu để Viettel bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm hỗ trợ nền y tế”. Trước "những lời tâm sự" trên, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện 108 rất hào hứng trước đề xuất của Viettel, mong muốn hai bên có thể tiến xa hơn trong nghiên cứu, sản xuất thiết bị y tế và ứng dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh.
Giám đốc Bệnh viện 108 sau đó cũng có những chia sẻ trăn trở về vấn đề giá thành rất cao của các thiết bị y tế, gây khó khăn cho các bệnh viện trong nước. Từ đó, đồng chí nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nghiên cứu phát triển thiết bị y tế giữa hai đơn vị: “Tôi tin tưởng hợp tác giữa hai đơn vị sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị lớn cho xã hội. Viettel có dư địa vô cùng lớn nếu khai thác được nhu cầu phát triển công nghệ, thiết bị của Bệnh viện 108”.
Về khâu quản trị hiện nay trong bệnh viện, Thiếu tướng Lê Hữu Song đánh giá chưa hiệu quả, một phần do chưa áp dụng công nghệ số. Người đứng đầu Bệnh viện 108 muốn Viettel có thể đưa ra giải pháp để bệnh viện thông minh hơn, là bệnh viện “không giấy tờ” trong tương lai. Thêm vào đó, ông Song cũng đề xuất tập đoàn viễn thông số một Việt Nam nghiên cứu và cung cấp cho bệnh viện các thiết bị tự động hoá, giúp giảm sự liên quan của con người trong các công tác của bệnh viện như kiểm soát nhiễm khuẩn, y học hạt nhân...
Cơ hội của Viettel trong ngành sản xuất thiết bị y tế
Bên cạnh những lợi ích kể trên, sự hợp tác với Bệnh viện 108 cũng mở ra cho Viettel một cơ hội "nghìn năm có một" để chính thức bước vào thị trường sản xuất thiết bị y tế. Từ đó Viettel có thể tham gia hỗ trợ đất nước giải quyết tình trạng độc quyền về thiết bị y tế từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Siemens Healthcare khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá thị trường thiết bị y tế Việt Nam là thị trường đang phát triển với rất nhiều tiềm năng. Lí do đơn giản vì Việt Nam hầu như chưa sản xuất được trang thiết bị y tế cũng như các giải pháp chăm sóc sức khỏe công nghệ cao, mà hiện nhập khẩu tới hơn 90%. Thêm vào đó, đầu tư cho y tế từ ngân sách nhà nước lẫn tư nhân cho lĩnh vực thiết bị y tế đang gia tăng nhanh.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO),Việt Nam đã chi 5,7% GDP cho chăm sóc sức khỏe năm 2020, tương ứng 15,4 tỷ USD. Con số này được dự báo tăng lên 19,3 tỷ USD năm 2024 và 26,9 tỷ USD vào năm 2029.
Xem thêm: Thị trường “sản phẩm đặc biệt” mà Viettel đang làm chủ sẽ tạo ra hơn 92 tỷ USD trong 6 năm tới
Theo Viettel Family.