Trung tâm dữ liệu ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong tham vọng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của mỗi quốc gia. Những tập đoàn viễn thông-công nghệ lớn trên thế giới gia nhập vào cuộc đua triển khai Data Center ngày một nhiều hơn và Việt Nam là một đích đến lí tưởng cho những hoạt động xây dựng của họ. Do đó, tập đoàn Huawei đang ấp ủ dự định sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tiếp theo tại Việt Nam sau khi đã mở 5 Data Center tại các nước Đông Nam Á.
Thị trường sôi động
Khi con người bước vào kỷ nguyên số, Trung tâm dữ liệu (Data Center) không chỉ là trung tâm của thông tin và dữ liệu mà còn là trái tim của mọi doanh nghiệp, nơi dữ liệu được bảo vệ, xử lý và lưu trữ một cách an toàn và ổn định. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính bảo mật, mà còn tạo ra cơ hội để tổ chức tối ưu hóa hoạt động và phát triển mạnh mẽ trong thời đại số hóa.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển DC và Cloud nhanh nhất tại ASEAN. Dự báo những năm tới, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ có sự bùng nổ với quy mô đến năm 2030 đạt 1,26 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép bình quân gần 11%. Vào tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tăng 7,3% so với năm 2022.
Tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit diễn ra mới đây, Giám đốc Viettel IDC Hoàng Văn Ngọc cho biết tổng dung lượng thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ đạt khoảng 321 tỷ USD trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7,3%. Trong đó, châu Á- Thái Bình Dương (APAC) hiện là khu vực năng động, có tốc độ phát triển trung tâm dữ liệu cao hơn hẳn các khu vực khác.
Quy mô của APAC đạt giá trị khoảng 30 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép đạt 18,9% tới năm 2028. Đây là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới.
Khó khăn khi triển khai
Mặc dù dư địa phát triển của Data Center là rất lớn, tuy nhiên Việt Nam hiện mới chỉ có 32 trung tâm dữ liệu, chiếm chưa tới 1% số lượng Data Center trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực Data Center tại Việt Nam bao gồm VNPT, Viettel, CMC. Trong chiến lược xây dựng Hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực Data Center.