Ngỡ ngàng khi biết số lượng doanh nghiệp chính thức thương mại hóa mạng 5.5G trong năm nay

NỘI DUNG CHÍNH

Năm 2024 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên triển khai thương mại hoá mạng 5.5G và mạng quang Gigabit F5.5G tại các nước lớn như Trung Quốc và khu vực Trung Đông.

5.5G được thương mại hóa trong năm nay

Trên thế giới, hiện nay đã có hơn 1,8 tỷ người dùng 5G, các nhà mạng đã tận dụng được lợi thế của 5G và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Các dịch vụ như Cuộc gọi mới (New Calling),Điện thoại đám mây (Cloud Phones) và 3D không cần sử dụng kính (Glasses-free 3D)… đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn về mạng như tốc độ nhanh hơn và độ trễ thấp hơn. Do đó, yêu cầu về một loại mang mới hiện đại hơn 5G là điều cần được đáp ứng sớm. Kết quả là, mạng 5.5G đã được các nhà mạng triển khai.

Nhiều nhà mạng trên thế giới đang thử nghiệm ứng dụng 5.5G cho người dùng cá nhân, gia đình, hệ thống phương tiện giao thông và các sân vận động. Ba nhà mạng lớn ở Trung Quốc đã thử triển khai 5.5G tại các thành phố lớn với lượng dân cư đông đúc. Các đơn vị khai thác tại Phần Lan đã hoàn tất quá trình xác minh công nghệ 5.5G trên các mạng thương mại, đạt tốc độ cao hơn 10 Gb/giây. Một số nhà mạng tại Đức cũng đã thử nghiệm trên băng tần 6 GHz và đạt tốc độ mạng cao nhất 12 Gb/giây khi sử dụng kỹ thuật đa sóng mạng. Bên cạnh đó, một số quốc gia ở Trung Đông cũng bắt đầu triển khai phòng thí nghiệm mở 5.5G. Sự kết hợp giữa mạng 5G, Cloud và AI sẽ giúp các ứng dụng thông minh ngày càng phổ biến và phát triển hơn, nâng cao và đa dạng hoá trải nghiệm của người dùng.

Bên cạnh đó, có đến hơn 30 nhà mạng đã hoàn thành quá trình thẩm định, kiểm tra kỹ thuật mạng 5.5G. Trên thị trường thiết bị di động, đã có gần 20 mẫu điện thoại thông minh hỗ trợ tích hợp đa mạng và nhiều mẫu cài đặt mặc định sẵn khả năng kết nối với dòng mạng này. Đặc biệt, đã có khoảng 10 nhà mạng công bố kế hoạch thương mại hóa 5.5G, bao gồm việc ra mắt các gói mạng 5.5G cùng với các dịch vụ liên quan khác.

Ông David Wang - Giám đốc Điều hành Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị cơ sở hạ tầng ICT của Huawei khẳng định: "Năm 2024 tiếp tục đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên AI di động bằng việc đẩy mạnh quá trình thương mại hoá 5.5G và các thiết bị tích hợp công nghệ AI. Những công nghệ này sẽ là chìa khóa thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng phổ biến các dịch vụ thông minh. Huawei sẽ tiếp tục tăng tốc quá trình phát triển 5.5G với 2 chiến lược: 'Mạng dành cho AI' và 'AI dành cho Mạng', nhằm khám phá những giá trị kinh doanh mới."

Tiềm năng của mạng 5.5G

Công nghệ mạng 5.5G được Huawei công bố lần đầu tiên từ tháng 6/2022. Đây được xem là bước phát triển vượt bậc của mạng 5G. Thế hệ mạng này sẽ cho tốc độ truy cập tăng lên gấp 10 lần so với mạng 5G, luôn ở mức 10Gb/s (1,2GB/s). Ngoài ra, độ trễ cũng sẽ được cải thiện gấp 10 lần giúp mang lại trải nghiệm ổn định và tốt nhất cho người dùng.

Mạng 5.5G cũng cho phép tăng số lượng thiết bị có thể kết nối từ 10 tỷ lên 100 tỷ. Cùng với đó, lượng khí thải CO2  trên mỗi Terabyte dữ liệu được truyền đi qua mạng 5.5 sẽ giảm gấp 10 lần so với mạng 5G, qua đó cho thấy việc sử dụng mạng 5.5G sẽ thân thiện với môi trường hơn. Nhờ vào tốc độ truyền tải nhanh và ổn định hơn, mạng lưới lái xe tự động cũng sẽ được nâng từ cấp độ 3 lên 4, giúp tăng hiệu quả của quá trình vận hành.

Bên cạnh đó, mạng 5.5G cũng có thể được áp dụng rộng rãi trong các dịch vụ giao thông đường bộ và các thành phố thông minh giúp cơ sở hạ tầng đô thị thông minh hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết mưa hoặc sương mù, mạng 5.5G có thể giúp phương tiện tự động phát hiện sớm chướng ngại vật hoặc những điểm bất thường trên đường, và thông báo cho chủ phương tiện thông qua các ứng dụng kết nối internet, từ đó người lái xe sẽ tránh được nhiều rủi ro không mong muốn.

Với đà phát triển hiện tại của công nghệ kết nối, mạng 5.5G chính là một dấu mốc quan trọng, làm cơ sở thúc đẩy cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất trong tương lai.

Bài viết liên quan