Viettel, VNPT, MobiFone "tiết lộ" khó khăn khi triển khai mạng 5G toàn quốc
Tác giả:Admin Sim Thăng LongThương mại hóa 5G là mục tiêu quan trọng mà Bộ Thông tin và Truyên thông đặt ra cho các nhà mạng trong năm 2024. Tuy nhiên, những ông lớn như Viettel, VNPT, MobiFone đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cao cả này.
Nhà mạng Viettel gặp khó với hạ tầng 5G
Nhà mạng lớn nhất là Viettel hiện tại mới chỉ có 50.000 trạm BTS. Đây vẫn là một con số khiêm tốn, chưa thể đảm bảo chất lượng cho di động, nhất là 5G. Trên thực tế, một mạng di động chất lượng tốt, dung lượng lớn, phủ sóng sâu vào trong nhà, tốc độ cao, thì cứ mỗi 1.000 dân phải có một trạm phát sóng. Vì thế, Viettel phải xây dựng thêm khoảng 40.000-50.000 trạm BTS mới. Đây chắc chắn là một thách thức lớn cho Viettel.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ (Tập đoàn Viettel) tiết lộ, nhà mạng này gặp phải một số thách thức lớn trong việc triển khai mạng 5G. Đặc biệt là thách thức về việc triển khai hạ tầng vật lý mạng 5G. Hạ tầng điện và cột anten hiện đã đến giới hạn trong khi mạng 5G sẽ làm tăng tải trọng cột anten và công suất tiêu thụ của trạm. Viettel đã mất 5 năm cải tạo cột anten và nguồn điện để sẵn sàng cho tham vọng thương mại hóa 5G trong năm nay.
Nhà mạng MobiFone vẫn phải đợi băng tần
Đối với nhà mạng MobiFone, vấn đề cấp bách nhất hiện tại là tần số 5G. Ngay khi nhận được tin Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt tổ chức đấu giá khối băng tần C3 cho 5G trước ngày 10/7, nhà mạng MobiFone khẳng định đã sẵn sàng tham gia đấu thầu khối băng tần này và chuẩn bị triển khai mạng 5G.
Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone khẳng định, khi có tần số, MobiFone sẽ phát sóng thử nghiệm thương mại, sau đó thực hiện các dự án 5G, thiết bị và dự kiến tháng 2/2025 sẽ công bố dịch vụ 5G. Các dịch vụ dự kiến cung cấp pha đầu gồm:
- Các dịch vụ trên nền tảng công nghệ eMBB (gói cước tốc độ cao, video OTT…) và công nghệ NSA (non-standalone).
- Dịch vụ truy cập vô tuyến cố định (fixed wireless access - FWA).
- Dịch vụ B2C (cloud phone, new calling, cloud gaming) và dịch vụ B2B (du lịch thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, cảng biển thông minh, khai thác thông minh) theo định hướng kết hợp AI, 5G và điện toán đám mây.
MobiFone cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, có phương án hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông có thể chia sẻ hạ tầng mạng 5G tích cực với giải pháp MOCN (chia sẻ chung tần số để phát triển mạng 5G). Giải pháp này có thể giúp giảm 30 - 40% chi phí đầu tư và vận hành khai thác mạng 5G.
Nhà mạng VNPT chưa có phương án kinh doanh 5G hiệu quả
Trong khi 2 nhà mạng kia đang vật lộn, nhà mạng VNPT đã triển khai 5G tại 16 tỉnh, thành phố, phục vụ khách hàng ở những khu vực trung tâm và đang lên kế hoạch triển khai 5G trên toàn quốc. Khó khăn duy nhất VNPT đang gặp phải và tìm cách để triển khai kinh doanh 5G hiệu quả nhất.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT tiết lộ, sau khi được cấp giấy phép 5G, VNPT làm các thủ tục triển khai dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng. VNPT dự định nâng cấp hệ thống truyền dẫn, đồng thời đầu tư 1.000 trạm 5G mới trong năm 2024.
Ông Thái khẳng định: “VNPT chắc chắn làm 5G và sẽ triển khai như cam kết và theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Song chúng tôi cũng sẽ phải tính toán căn cơ để bảo đảm việc kinh doanh dịch vụ này. Vấn đề khó nhất đối với các nhà mạng khi triển khai 5G là phương án kinh doanh hiệu quả, chứ không phải tần số hay hạ tầng”.
Chủ tịch của VNPT cũng cho biết thêm, việc được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G là bước ngoặt để các nhà mạng có thể làm các thủ tục triển khai dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Trước mắt, VNPT vẫn sẽ tiếp tục tập trung triển khai 5G ở những khu vực đòi hòi sự tương tác cao, giao tiếp qua mạng bằng thời gian thực, các khu vực như Khu Công nghệ cao, Khu đô thị, các trường đại học. Sau đó mới tính đến việc triển khai toàn quốc.
Xem thêm: Chốt thời điểm 5G sẽ phủ sóng toàn quốc
Theo Báo Đầu Tư.