Tin Chung

Một nhà mạng bất ngờ phê duyệt gói thầu "đóng vai trò quan trọng" trị giá gần 1.400 tỷ đồng

Mới đây, tập đoàn Viettel vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 25 gói thầu thuộc Dự án Nâng cao chất lượng cơ điện trạm BTS năm 2023 có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng.

Phê duyệt gói thầu nâng cấp trạm BTS gần 1.400 tỷ đồng

Theo đó, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 25 gói thầu thuộc Dự án Nâng cao chất lượng cơ điện trạm BTS năm 2023 có tổng mức đầu tư 1.395 tỷ đồng vừa được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) phê duyệt. Phần lớn các gói thầu thuộc Kế hoạch sẽ được lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Dự án Nâng cao chất lượng cơ điện trạm BTS năm 2023 là dự án nhóm B. Thời gian thực hiện 3 năm. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn vốn của Viettel.

Một số gói thầu điển hình có thể kể đến như: Gói thầu Cung cấp hệ thống pin mặt trời (thiết bị, vận chuyển, lắp đặt) có giá 17,4 tỷ đồng; Gói thầu Dịch vụ lắp đặt (bao gồm vận chuyển thiết bị từ kho chi nhánh đến địa điểm lắp đặt) có giá 77,5 tỷ đồng; Gói thầu Cung cấp tủ nguồn DC mini giai đoạn 2 có giá 67,523 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 4/2024, Tập đoàn Viettel đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu 03-2024-Mobile, nâng cấp thiết bị vô tuyến 4G Ericsson cho 3 dự án quan trọng. Gói thầu trên trị giá khoảng 839 tỷ đồng. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh EAB/ETV (Công ty Ericsson AB – Công ty TNHH Ericsson Việt Nam). Điều này đồng nghĩa với việc Viettel sẽ hợp tác với Ericsson để thực hiện nâng cấp mạng vô tuyến 4G tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Với việc Viettel phê duyệt gói thầu nâng cấp trạm BTS lần này, chúng ta có thể thấy được thực trạng xuống cấp của các trạm phát sóng trên toàn quốc cũng như sự quyết tâm của nhà mạng này trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để chuẩn bị thương mại hóa 5G.

Thông qua dự án đầu tư 5.000 trạm BTS

Khi các nhà mạng như Viettel và VNPT nhận được giấy phép triển khai 5G, Bộ TT&TT yêu cầu sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai tối thiểu 3.000 trạm BTS 5G và cung cấp dịch vụ muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép. Hoạt động đấu thầu tần số 5G sẽ là cơ sở bùng nổ thị trường viễn thông, giúp nhu cầu các trạm small cell lớn với mật độ phân bố khắp cả nước để đảm bảo vùng phủ. Bản chất mạng 5G đòi hỏi tốc độ cao, do vậy khoảng cách xây dựng ngắn lại, số vị trí trạm 5G sẽ nhiều hơn.

Với bối cảnh này, doanh thu của Viettel Construction không chỉ gia tăng từ việc đầu tư xây dựng 5.000 trạm BTS xây mới, mà còn có thể đẩy mạnh từ việc xây lắp hạ tầng viễn thông cho Tập đoàn Viettel và các nhà mạng khác trong nước.

Đầu năm 2024, Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction) đã quyết định đầu tư dự án “Xây dựng hạ tầng trạm BTS cho thuê năm 2024” với tổng mức vốn đầu tư 1.460,4 tỷ đồng. Dự án có quy mô lên đến 5.000 trạm BTS, được thực hiện tại 63 Tỉnh/TP trong thời gian từ Quý 1/2024 đến năm 2026. Với lộ trình này, dự kiến Viettel Construction sẽ nâng sở hữu số trạm BTS lên đến 9.975 trạm trong năm 2024, giữ vững vị trí TowerCo số 1 Việt Nam. Đưa Viettel Construction lọt Top 10 TowerCo ASEAN và Top 30 TowerCo thế giới.

Nhiều người dự đoán, nhờ gói thầu này mà hoạt động kinh doanh năm 2024 của Viettel Construction sẽ có sự bùng nổ. Lý do bởi vì trạm BTS đem lại động lực tăng trưởng chính cho doanh nghiệp này trong năm trước đó. Doanh thu lĩnh vực Đầu tư hạ tầng cho thuê của Viettel Construction năm 2023 đạt 435,5 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm 2022. Động lực tăng trưởng này đến từ việc cho thuê trạm BTS, tăng trưởng 68%. Lợi nhuận trước thuế lĩnh vực Đầu tư hạ tầng cho thuê đạt 92 tỷ trong năm 2023, tăng trưởng 46% so với năm 2022.

Xem thêm: Bất ngờ với các nhà mạng thống trị bảng xếp hạng tốc độ kết nối Internet 4G/5G tại Việt Nam

Bài viết liên quan