Tin Chung

Kể từ 1/7/2024, chính thức mở của thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Việt Nam vừa chính thức mở cửa thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu cho các công ty nước ngoài, đánh dấu một bước tiến lớn với Luật Viễn thông mới. Quy định này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn trong các trung tâm dữ liệu, một động thái quan trọng để thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu ngày càng tăng cao.

Luật viễn thông sửa đổi có gì mới đối với thị trường điện toán đám mây

Luật Viễn thông, có hiệu lực từ ngày 1/7, không giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu và điện toán đám mây, trong khi nhiều ngành công nghiệp khác vẫn giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 49%. Các quy định mới cũng tạo ra "ngoại lệ chưa từng có" về cấp phép, giúp các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và dữ liệu "được miễn trừ khỏi các ràng buộc gia nhập thị trường thông thường."

Theo luật mới, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và dữ liệu không chịu trách nhiệm về nội dung được lưu trữ nhưng phải chặn nội dung theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật này cũng nêu rõ các công ty không thể theo dõi thông tin người dùng trừ khi được nhà nước yêu cầu.

Bà Celina Chua, Giám đốc giải pháp khách hàng trung tâm dữ liệu APAC, lưu ý: “Luật cho phép đầu tư nước ngoài 100% vào các dịch vụ trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, các hạn chế về tiếp cận thị trường sẽ được áp dụng nếu nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu cung cấp dịch vụ kết nối mạng.”

Thị trường trung tâm dữ liệu đầy tiềm năng tại Việt Nam

Việt Nam đang trên đà bứt phá mạnh mẽ về thị trường trung tâm dữ liệu. Báo cáo mới nhất từ Viettel IDC cho biết, thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu có quy mô khoảng 321 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một trong những khu vực có thị trường trung tâm dữ liệu phát triển năng động nhất, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 19% đến năm 2028. Riêng tại Việt Nam, dự báo quy mô thị trường này sẽ đạt 1,266 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 10,8%.

Hiện nay, Việt Nam có 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ, với hơn 20.000 tủ rack (không gian chứa các thiết bị mạng) và tổng công suất thiết kế là 145 MW. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải thích tại sự kiện khai trương trung tâm dữ liệu của Viettel vào tháng 4 rằng, trong vòng 3 năm, lượng dữ liệu toàn cầu đã tăng gấp đôi, và tốc độ tăng trưởng dữ liệu tại Việt Nam còn nhanh hơn thế.

Các doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam còn thông lĩnh thị trường khi luật viễn thông mới được thực thi

Sức hút lớn tới nhà đầu tư nước ngoài

Luật Viễn thông mới được coi là "cột mốc" quan trọng, vì sẽ thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào điện toán đám mây và các trang trại dữ liệu, mở đường cho việc chuyển giao công nghệ và các lợi ích khác. Các công ty viễn thông nội địa như VNPT, CMC Telecom, Viettel IDC, FPT Telecom và VNG Corporation đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu.

Sự hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường trung tâm dữ liệu. Ví dụ, công ty VNG đã hợp tác với ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) của Singapore vào tháng 5 vừa qua để xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu tại TP.HCM theo tiêu chuẩn quốc tế. Hợp tác này không chỉ giúp tăng cường năng lực vận hành mà còn hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Ông Lionel Yeo, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của STT GDC, cho biết sự hợp tác này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn gia tăng năng lực vận hành toàn cầu nhờ kinh nghiệm địa phương.

Dưới đây là các dự án nổi bật đã và đang dự định triển khai tại Việt Nam:

  • Viettel: Khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 tại Hà Nội vào tháng 4 với công suất lên đến 30MW. Viettel có kế hoạch đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng đến năm 2025 và 40.000 tỷ đồng đến năm 2030 để mở rộng quy mô các trung tâm dữ liệu.
  • VNPT: Khai trương Trung tâm dữ liệu IDC tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, với diện tích sử dụng lên tới 23.000m² sàn và quy mô 2.000 tủ racks, đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho hạng mục thiết kế và xây dựng lắp đặt.
  • MobiFone: Đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu tại cả ba miền, với mục tiêu sở hữu 7 trung tâm dữ liệu mới vào năm 2025 và mở rộng quy mô các trung tâm hiện có.
  • Gaw Capital: Trung tâm dữ liệu công suất 20MW tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
  • Worldwide DC Solution: Dự án công suất 30MW tại Việt Nam.
  • NTT và DQ Tek: Dự án hợp tác giữa gã khổng lồ viễn thông Nhật Bản và DQ Tek.
  • Alibaba: Công bố kế hoạch thành lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
  • Amazon Web Services (AWS) và Keppel: Bày tỏ ý định đầu tư, đặt máy chủ tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Mặc dù thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là yêu cầu giảm lượng khí thải carbon và chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và chiến lược thu hút đầu tư quốc tế, Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng để trở thành một trung tâm dữ liệu quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Việc đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại các khu công nghiệp công nghệ cao là một giải pháp, nhưng chi phí thực hiện cao, đòi hỏi thời gian hoàn vốn từ năm đến tám năm. Tuy nhiên, với việc ban hành Luật Viễn thông mới và các thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA),những khó khăn này dự kiến sẽ giảm bớt, giúp tăng cường hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Việt Nam bất ngờ ra mắt công ty con về trung tâm dữ liệu

Bài viết liên quan