Sự cố đứt cáp không còn là "trở ngại" đối với kết nối 4G/5G vì các nhà mạng đã làm điều này!

NỘI DUNG CHÍNH

Trong thời gian gần đây, các sự cố đứt cáp quang biển diễn ra liên tục khiến cho tình trạng kết nối internet 4G/5G tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhà mạng Viettel đã thực hiện bổ sung 400 Gbps dung lượng vào ngày 1-6 và sẽ bổ sung tiếp 1.000 Gbps dung lượng hướng Singapore. Điều này sẽ giúp cho kết nối internet được ổn định hơn, đặc biệt là trong giờ cao điểm.

Thực trạng đáng báo động

Theo thông tin trên nhiều trang báo uy tín, trong tuần trước 3/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam cùng gặp sự cố. Trước đó, cáp quang IA, tuyến cáp quang APG cũng xảy ra sự cố vào ngày 10/3, đến nay chưa được khắc phục. Một tuyến cáp quang biển khác là AAE-1 cũng gặp sự cố vào ngày 23/5, hiện chưa sửa chữa xong. Điều này sẽ khiến cho việc truy cập Internet đi nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các khung giờ cao điểm.

Việc đứt cáp quang ảnh hưởng đến truy cập Internet vẫn xảy ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng cả 5 tuyến cáp quang đều gặp sự cố lần này là sự cố đứt cáp quang biển nghiêm trọng nhất lịch sử. Điều này sẽ làm mất kết nối khoảng 75% lưu lượng quốc tế.

Trước tình hình này, các nhà mạng Việt Nam đều cho biết đã có biện pháp ứng cứu, bổ sung dung lượng nên tốc độ không bị suy giảm nhiều.

Xử lý sự cố ngay lập tức

Đại diện nhà mạng Viettel cho biết đường truyền internet kết nối với quốc tế có phần bị ảnh hưởng do một số tuyến cáp quang biển bị đứt. Nhà mạng này xác nhận đã bổ sung thêm 400 Gbps dung lượng từ ngày 1/6, và sẽ bổ sung tiếp 1.000 Gbps dung lượng hướng Singapore để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Với các giải pháp này, tài nguyên kết nối quốc tế của Viettel đáp ứng được lưu lượng sử dụng lúc cao điểm nhất (lưu lượng lúc cao điểm sẽ chiếm 83,6% tổng tài nguyên kết nối quốc tế của Viettel).

Đồng thời Viettel thực hiện nhiều hành động chia sẻ tải để giảm áp lực kết nối quốc tế lên hướng qua Singapore. Đại diện Viettel còn cho biết đã làm việc với đối tác để sẵn sàng bổ sung tiếp tục 1.000 Gbps dự phòng cho hướng Hong Kong.

Nhà mạng FPT Telecom hiện tại vẫn đang đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, không ảnh hưởng dịch vụ…Cùng với đó, nhà mạng FPT này đã chuẩn bị đầy đủ các tuyến cáp đất liền và cáp quang biển đến các trạm kết nối lớn trên thế giới đặt tại Hong Kong và Singapore, phòng trừ cho các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

VNPT hiện là nhà mạng có tốc độ kết nối internet cao nhất Việt Nam. Nhà mạng này cho biết đã thực hiện các biện pháp san tải và bổ sung lưu lượng từ các nguồn dự phòng nên vẫn đảm bảo liên lạc cho người dùng trong nước.

Bộ TT&TT cùng các nhà mạng luôn cố gắng cải thiện, phát triển hệ thống cáp quang để đưa đất nước vào nhóm dẫn đầu khu vực về hệ thống cáp quang quốc tế.

Triển khai thêm nhiều tuyến cáp quang

Ngày 14/6, Bộ TT&TT đã chính thức phê duyệt “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Chiến lược xác định rõ quan điểm: Hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam là thành phần quan trọng của hạ tầng số, phải được ưu tiên đầu tư hiện đại, đi trước một bước, bảo đảm kết nối của Việt Nam ra quốc tế có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, an toàn, bền vững, đủ không gian để một số đô thị trở thành trung tâm dữ liệu khu vực.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải triển khai được thêm tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển mới với công nghệ hiện đại, nâng tổng số tuyến cáp quang biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến với dung lượng tối thiểu 350 Tbps. Trong đó, có tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ kết nối trực tiếp tới các Digital Hub trong khu vực.

Song song đó, Việt Nam còn phải triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 2 tuyến cáp quang đất liền quốc tế, đảm bảo tổng dung lượng cáp quang quốc tế trên đất liền đạt tối thiểu 15% dung lượng sử dụng thực tế của hệ thống cáp quang trên biển.

Xem thêm: Tuyến cáp quang biển Việt Nam “lại gặp sự cố”, người dùng khó truy cập web và dịch vụ quốc tế